Thủ tục đăng ký hạn mức nhận ủy thác đầu tư gián tiếp ra nước ngoài

Hồ sơ đăng ký hạn mức nhận ủy thác bao gồm những giấy tờ nào? Thủ tục đăng ký hạn mức nhận ủy thác đầu tư gián tiếp ra nước ngoài được thực hiện như thế nào?

Hồ sơ đăng ký 

Theo quy định tại khoản 1 Điều 24 Thông tư 10/2016/TT-NHNN, hồ sơ đăng ký hạn mức nhận ủy thác đầu tư phải được lập bằng tiếng Việt, bao gồm:

– Đơn đăng ký hạn mức nhận ủy thác đầu tư (theo mẫu tại Phụ lục số 09 ban hành kèm theo Thông tư này);

– Báo cáo tài chính đã được kiểm toán độc lập của năm liền kề trước năm đăng ký hạn mức nhận ủy thác đầu tư;

– Báo cáo tình hình thu, chi tài khoản nhận ủy thác có xác nhận của tổ chức tín dụng được phép nơi mở tài khoản; tình hình thực hiện hạn mức nhận ủy thác của năm trước liền kề và hạn mức nhận ủy thác tạm thời của năm thực hiện (không áp dụng đối với trường hợp tổ chức nhận ủy thác lần đầu đăng ký hạn mức nhận ủy thác đầu tư).


Trình tự, thủ tục thực hiện

Việc đăng ký hạn mức nhận ủy thác đầu tư ra nước ngoài được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 24 Thông tư 10/2016/TT-NHNN. Cụ thể như sau:

Bước 1: Chuẩn bị và nộp hồ sơ

Tổ chức nhận ủy thác chuẩn bị 01 bộ hồ sơ theo quy định trên.

Hồ sơ đăng ký hạn mức nhận ủy thác đầu tư qua đường bưu điện hoặc nộp trực tiếp tại Ngân hàng Nhà nước trước ngày 15 tháng 4 hàng năm.

Bước 2: Tiếp nhận vầ giải quyết hồ sơ

Ngân hàng Nhà nước có văn bản xác nhận hoặc từ chối xác nhận đăng ký chậm nhất vào ngày 15 tháng 5 hàng năm.

Trường hợp từ chối xác nhận đăng ký, Ngân hàng Nhà nước có văn bản nêu rõ lý do.


Xác nhận đăng ký hạn mức nhận ủy thác đầu tư gián tiếp ra nước ngoài

Hàng năm, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện xác nhận đăng ký hạn mức nhận ủy thác cho tổ chức nhận ủy thác dựa trên các cơ sở quy định tại khoản 1 Điều 28 Nghị định 135/2015/NĐ-CP:

– Tổng hạn mức đầu tư gián tiếp ra nước ngoài hàng năm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;

– Quy mô vốn của tổ chức nhận ủy thác là ngân hàng thương mại, quy mô tài sản ủy thác của tổ chức nhận ủy thác là công ty quản lý quỹ;

– Hạn mức tự doanh đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xác nhận đăng ký (nếu có);

– Tình hình hoạt động nhận ủy thác đầu tư gián tiếp ra nước ngoài của tổ chức nhận ủy thác của các năm trước;

– Tình hình kinh tế vĩ mô và mục tiêu chính sách tiền tệ trong từng thời kỳ.

Xem thêm: Thủ tục đăng ký hạn mức tự doanh theo quy định mới nhất

Trên đây là bài tư vấn của chúng tôi về “Thủ tục đăng ký hạn mức nhận ủy thác đầu tư gián tiếp ra nước ngoài” gửi đến bạn đọc. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào, bạn hãy liên hệ với chúng tôi để được giải đáp.

Comments are closed.