Tiền phạt vi phạm hợp đồng có được tính vào chi phí

Các doanh nghiệp tiến hành hợp tác làm ăn với nhau thông qua hợp đồng. Trong hợp đồng kinh tế có điều khoản quy định về phạt vi phạm hợp đồng. Tiền phạt vi phạm hợp đồng có được tính vào chi phí hay không? Taxkey sẽ giải đáp thắc mắc ngay sau đây. 

1. Tiền phạt vi phạm hợp đồng có được tính vào chi phí được trừ của doanh nghiệp hay không?

Taxkey xin trả lời là có. Tiền phạt vi phạm hợp đồng được tính vào chi phí được trừ của doanh nghiệp. 

Căn cứ Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC, sửa đổi điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC. Trong đó, tại Điểm 2.36 Khoản 2, 

“Các khoản tiền phạt về vi phạm hành chính bao gồm: vi phạm luật giao thông, vi phạm chế độ đăng ký kinh doanh, vi phạm chế độ kế toán thống kê, vi phạm pháp luật về thuế bao gồm cả tiền chậm nộp thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế và các khoản phạt về vi phạm hành chính khác theo quy định của pháp luật.”

Như vậy, các khoản tiền phạt trên không bao gồm cả tiền phạt vi phạm hợp đồng. Vì vậy, có thể đưa tiền phạt vi phạm hợp đồng vào chi phí được trừ của doanh nghiệp.

2. Điều kiện để đưa tiền phạt vi phạm hợp đồng tính vào chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp

Trừ các khoản chi phí không được trừ, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau: 

  • Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
  • Khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp
  • Khoản chi nếu có hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế giá trị gia tăng) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt

Vì vậy, để được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền phạt vi phạm hợp đồng phải đáp ứng đủ các điều kiện trên.

Chúng ta có thể thấy được rằng, đây là khoản chi phí phát sinh liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. chi phí này bắt buộc phải có hóa đơn, chứng từ hợp pháp. Nếu khoản tiền phạt có giá trị trên 20 triệu đồng thì phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt (tức là chứng từ chuyển khoản qua ngân hàng).

>>>Xem thêm: Hồ sơ hợp lý hóa chi phí không có hóa đơn giá trị gia tăng

3. Lập hóa đơn, chứng từ đối với khoản tiền vi phạm hợp đồng

Căn cứ theo Khoản 1 Điều 5 Thông tư 219/2013/Tt-BTC quy định về các khoản không phải kê khai, tính nộp thuế giá trị gia tăng.

“Tổ chức, cá nhân nhận các khoản thu về bồi thường bằng tiền (bao gồm cả tiền bồi thường về đất và tài sản trên đất khi bị thu hồi đất theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền), tiền thưởng, tiền hỗ trợ, tiền chuyển nhượng quyền phát thải và các khoản thu tài chính khác.

Cơ sở kinh doanh khi nhận khoản tiền thu về bồi thường, tiền thưởng, tiền hỗ trợ nhận được, tiền chuyển nhượng quyền phát thải và các khoản thu tài chính khác thì lập chứng từ thu theo quy định. Đối với cơ sở kinh doanh chi tiền, căn cứ mục đích chi để lập chứng từ chi tiền.

Trường hợp bồi thường bằng hàng hóa, dịch vụ, cơ sở bồi thường phải lập hóa đơn và kê khai, tính, nộp thuế GTGT như đối với bán hàng hóa, dịch vụ; cơ sở nhận bồi thường kê khai, khấu trừ theo quy định….”

Như vậy:

– Nếu phạt vi phạm hợp đồng bồi thường bằng tiền thì:

+ Bên chi tiền sẽ lập phiếu chi

+ Bên nhận tiền sẽ lập phiếu thu

– Nếu phạt vi phạm hợp đồng bồi thường bằng hàng hóa, dịch vụ:

+ Bên bồi thường sẽ lập hóa đơn và kê khai, tính, nộp thuế giá trị gia tăng như bình thường

+ Bên nhận bồi thường sẽ kê khai và khấu trừ theo quy định.

>>>Xem thêm: Cách hợp lý hóa hóa đơn trên 20 triệu không chuyển khoản

4. Các loại chứng từ để thực hiện hạch toán vào chi phí được trừ đối với khoản tiền vi phạm hợp đồng.

Các chứng từ rất quan trọng dưới đây làm cơ sở hạch toán vào chi phí:

  • Hợp đồng kinh tế.
  • Biên bản ghi nhận hoặc thanh lý. Trong đó nêu rõ vi phạm và phải chịu phạt theo cam kết.
  • Chứng từ trả tiền qua ngân hàng; hoặc phiếu chi tiền bên vi phạm; và phiếu thu tiền bên được phạt vi phạm có ký nhận của hai bên. Nếu trả bằng tiền mặt thì cần có phiếu thu của doanh nghiệp. Để minh chứng rằng tiền đó đã được nộp vào quỹ của doanh nghiệp mà không rơi vào tay cá nhân.
  • Nếu cấn trừ bằng hình thức công nợ thì phải có biên bản có ký tá xác nhận của hai bên bằng hình thức cấn trừ thông qua công nợ TK 131 và TK 331 giữa hai bên

Trên đây là giải đáp của Taxkey về thắc mắc “Tiền phạt vi phạm hợp đồng có được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp”. Nếu khách hàng có thắc mắc, liên hệ ngay với Taxkey – Đơn vị cung cấp dịch vụ kế toán thuế chuyên nghiệp nhất 

Comments are closed.