Vị trí thống lĩnh thị trường là một trong những vị trí mà bất cứ doanh nghiệp nào đều mong muốn có được. Vậy theo pháp luật hiện hành thì tiêu chí xác định doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường được quy định như thế nào?
1. Doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường
Theo quy định tại khoản 1 Điều 24 Luật cạnh tranh 2018, doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường nếu có sức mạnh thị trường đáng kể được xác định theo quy định tại Điều 26 của Luật này hoặc có thị phần từ 30% trở lên trên thị trường liên quan.
Xem thêm: Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm
2. Một số quy định có liên quan để xác định doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường
2.1. Sức mạnh thị trường đáng kể
Theo quy định tại Điều 26 Luật cạnh tranh 2018, sức mạnh thị trường đáng kể được xác định căn cứ vào một số yếu tố sau đây:
- Tương quan thị phần giữa các doanh nghiệp trên thị trường liên quan;
- Sức mạnh tài chính, quy mô của doanh nghiệp;
- Rào cản gia nhập, mở rộng thị trường đối với doanh nghiệp khác;
- Khả năng nắm giữ, tiếp cận, kiểm soát thị trường phân phối, tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ hoặc nguồn cung hàng hóa, dịch vụ;
- Lợi thế về công nghệ, hạ tầng kỹ thuật;
- Quyền sở hữu, nắm giữ, tiếp cận cơ sở hạ tầng;
- Quyền sở hữu, quyền sử dụng đối tượng quyền sở hữu trí tuệ;
- Khả năng chuyển sang nguồn cung hoặc cầu đối với các hàng hóa, dịch vụ liên quan khác;
- Các yếu tố đặc thù trong ngành, lĩnh vực mà doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh.
2.2. Thị trường liên quan và thị phần
2.2.1. Thị trường liên quan
Về khái niệm:
Theo quy định tại khoản 7 Điều 3 Luật cạnh tranh 2018, thị trường liên quan là thị trường của những hàng hóa, dịch vụ có thể thay thế cho nhau về đặc tính, mục đích sử dụng và giá cả trong khu vực địa lý cụ thể có các điều kiện cạnh tranh tương tự và có sự khác biệt đáng kể với các khu vực địa lý lân cận.
Về xác định thị trường liên quan:
Theo quy định tại Điều 9 Luật cạnh tranh 2018, thị trường liên quan được xác định trên cơ sở thị trường sản phẩm liên quan và thị trường địa lý liên quan. Trong đó:
- Thị trường sản phẩm liên quan là thị trường của những hàng hóa, dịch vụ có thể thay thế cho nhau về đặc tính, mục đích sử dụng và giá cả.
- Thị trường địa lý liên quan là khu vực địa lý cụ thể trong đó có những hàng hóa, dịch vụ được cung cấp có thể thay thế cho nhau với các điều kiện cạnh tranh tương tự và có sự khác biệt đáng kể với các khu vực địa lý lân cận.
2.2.2. Thị phần
Theo quy định tại khoản1 Điều 10 Luật cạnh tranh 2018, thị phần của doanh nghiệp trên thị trường liên quan được xác định theo một trong các phương pháp sau đây:
- Tỷ lệ phần trăm giữa doanh thu bán ra của doanh nghiệp này với tổng doanh thu bán ra của tất cả các doanh nghiệp trên thị trường liên quan theo tháng, quý, năm;
- Tỷ lệ phần trăm giữa doanh số mua vào của doanh nghiệp này với tổng doanh số mua vào của tất cả các doanh nghiệp trên thị trường liên quan theo tháng, quý, năm;
- Tỷ lệ phần trăm giữa số đơn vị hàng hóa, dịch vụ bán ra của doanh nghiệp này với tổng số đơn vị hàng hóa, dịch vụ bán ra của tất cả các doanh nghiệp trên thị trường liên quan theo tháng, quý, năm;
- Tỷ lệ phần trăm giữa số đơn vị hàng hóa, dịch vụ mua vào của doanh nghiệp này với tổng số đơn vị hàng hóa, dịch vụ mua vào của tất cả các doanh nghiệp trên thị trường liên quan theo tháng, quý, năm.
Lưu ý:
Doanh thu để xác định thị phần theo quy định trên được xác định theo chuẩn mực kế toán Việt Nam.
Trong trường hợp doanh nghiệp hoạt động kinh doanh chưa đủ 01 năm tài chính thì doanh thu, doanh số, số đơn vị hàng hóa, dịch vụ bán ra, mua vào để xác định thị phần theo quy định trên được tính từ thời điểm doanh nghiệp bắt đầu hoạt động cho đến thời điểm xác định thị phần.
Xem thêm: Thủ tục đề nghị miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm
Trên đây là bài tư vấn của chúng tôi về “Tiêu chí xác định doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường” gửi đến bạn đọc. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào, bạn hãy liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ.
Comments are closed.