Chấm dứt hoạt động văn phòng đại diện của cơ sở giáo dục nước ngoài

Trong một số trường hợp, văn phòng đại diện phải chấm dứt hoạt động. Dưới đây là một số quy định của pháp luật về chấm dứt hoạt động văn phòng đại diện của cơ sở giáo dục nước ngoài.

Trường hợp chấm dứt hoạt động

Văn phòng đại diện giáo dục nước ngoài chấm dứt hoạt động khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 61 Nghị định 86/2018/NĐ-CP, cụ thể:

  • Hết thời hạn ghi trong quyết định cho phép thành lập;
  • Theo đề nghị của tổ chức, cơ sở giáo dục nước ngoài thành lập văn phòng đại diện;
  • Quyết định cho phép thành lập bị thu hồi vì không hoạt động trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày được cấp lần đầu hoặc 03 tháng kể từ ngày được gia hạn;
  • Bị phát hiện có sự giả mạo trong hồ sơ đề nghị cho phép thành lập văn phòng đại diện giáo dục nước ngoài;
  • Có những hoạt động trái với nội dung của quyết định cho phép thành lập;
  • Vi phạm các quy định khác của pháp luật Việt Nam.

Thẩm quyền chấm dứt hoạt động

Người có thẩm quyền cho phép thành lập thì có thẩm quyền chấm dứt hoạt động của văn phòng đại diện giáo dục nước ngoài tại Việt Nam. 

Theo quy định tại Điều 57 Nghị định 86/2018/NĐ-CP, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo có thẩm quyền quyết định chấm dứt hoạt động văn phòng đại diện của cơ sở giáo dục nước ngoài tại Việt Nam.


Thủ tục đề nghị chấm dứt hoạt động

Khoản 3 Điều 61 Nghị định 86/2018/NĐ-CP hướng dẫn thủ tục đề nghị chấm dứt hoạt động của văn phòng đại diện thông qua các bước sau:

Bước 1: Chuẩn bị và nộp hồ sơ

Hồ sơ đề nghị chấm dứt văn phòng đại diện bao gồm:

  • Đơn đề nghị chấm dứt hoạt động của văn phòng đại diện trong đó nêu rõ lý do chấm dứt hoạt động;
  • Phương án chấm dứt hoạt động, trong đó nêu rõ các biện pháp bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người lao động; phương án giải quyết tài chính, tài sản;

Sau khi chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ trên, hồ sơ được nộp tại Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bước 2: Tiếp nhận, giải quyết hồ sơ

Trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị chấm dứt hoạt động, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm xem xét quyết định.

Trường hợp hồ sơ không đầy đủ theo quy định, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ thông báo bằng văn bản gửi trực tiếp hoặc qua bưu điện hoặc thư điện tử cho tổ chức, cơ sở giáo dục.

Lưu ý: Quyết định chấm dứt hoạt động phải xác định rõ lý do chấm dứt hoạt động, các biện pháp bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động và phải được công bố công khai trên phương tiện thông tin đại chúng.

Xem thêm: Thành lập văn phòng đại diện của cơ sở giáo dục nước ngoài tại Việt Nam

Trên đây là bài tư vấn của chúng tôi về “Chấm dứt hoạt động văn phòng đại diện của cơ sở giáo dục nước ngoài” gửi đến bạn đọc. Nếu bạn còn bất kỳ thắc mắc nào, hãy liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn.

Comments are closed.