Cơ cấu tổ chức quản lý doanh nghiệp, công ty sau khi thành lập

Sau khi thành lập doanh nghiệp, công ty về mặt thủ tục, các doanh nghiệp, công ty sẽ tiến hành tổ chức quản lý theo các mô hình doanh nghiệp tương ứng. Cơ cấu tổ chức quản lý doanh nghiệp, công ty sau khi thành lập là gì? Các doanh nghiệp,  công ty cần lưu ý về những điều gì trong cơ cấu tổ chức? Sau đây, Taxkey sẽ giúp quý khách hàng có cái nhìn tổng quát về cơ cấu tổ chức quản lý doanh nghiệp, công ty sau khi thành lập. 

1. Tìm hiểu về cơ cấu tổ chức quản lý doanh nghiệp, công ty

Cơ cấu tổ chức quản lý doanh nghiệp, công ty có thể hiểu là tổng hợp các bộ phận (đơn vị và cá nhân) khác nhau, có mối liên hệ và quan hệ phụ thuộc lẫn nhau, để thực hiện nhiệm vụ kinh doanh của doanh nghiệp, công ty. 

Trong cơ cấu tổ chức tuy có nhiều bộ phận khác nhau, thực hiện các chức năng nhiệm vụ khác nhau. Nhưng đều thống nhất và tập trung nhằm tạo ra kết quả cho mục tiêu đã được xác định của tổ chức.

Các thành viên trong tổ chức đều có một vai trò nhất định. Và đóng góp nỗ lực của mình nhằm đưa tổ chức đạt được mục tiêu chung.

Một tổ chức phải có sự thống nhất về quyền lãnh đạo. Đây là điều kiện tạo nên trật tự trong tổ chức. Đồng thời, góp phần tạo ra sự cố gắng, nỗ lực, tăng tính trách nhiệm của các thành viên trong tổ chức muốn hoạt động hiệu quả và khoa học hơn. Sự phân công lao động cho mỗi thành viên, đảm bảo tính chuyên môn, hoạt động sâu của một thành viên vào một công việc nhất định. Phân công hợp lý sẽ tác động đến hiệu quả của tổ chức.

2. Cơ cấu tổ chức quản lý trong từng loại hình doanh nghiệp

2.1. Cơ cấu tổ chức trong công ty cổ phần

Trừ trường hợp pháp luật về chứng khoán có quy định khác, công ty cổ phần có quyền lựa chọn tổ chức quản lý và hoạt động theo một trong hai mô hình sau đây:

– Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp công ty cổ phần có dưới 11 cổ đông và các cổ đông là tổ chức sở hữu dưới 50% tổng số cổ phần của công ty thì không bắt buộc phải có Ban kiểm soát;

– Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp này ít nhất 20% số thành viên Hội đồng quản trị phải là thành viên độc lập và có Ban kiểm toán nội bộ trực thuộc Hội đồng quản trị. Các thành viên độc lập thực hiện chức năng giám sát và tổ chức thực hiện kiểm soát đối với việc quản lý điều hành công ty.

♣ Đại hội đồng cổ đông:

Là cơ quan quyết định cao nhất của công ty cổ phần. Bao gồm tất cả các cổ đông có quyền biểu quyết. Có quyền bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên ban kiểm soát, Hội đồng quản trị. Đại hội đồng cổ đông có quyền quyết định sửa đổi, bổ sung điều lệ công ty; tổ chức lại, giải thể công ty; xử lý các hành vi vi phạm của Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát gây thiệt hại cho công ty; thông qua báo cáo tài chính hàng năm của công ty;…

Hội đồng quản trị: 

Hội đồng quản trị là cơ quan quản lý công ty, có toàn quyền nhân danh công ty để quyết định, thực hiện các quyền và nghĩa vụ của công ty không thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông. Hội đồng quản trị có từ 3 đến 11 thành viên. Nhiệm kỳ không quá 5 năm. Và có thể được bầu lại với số nhiệm kỳ không hạn chế. 

Chủ tịch Hội đồng quản trị do Hội đồng quản trị bầu. Chủ tịch Hội đồng quản trị có thể kiêm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty. Công ty cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% tổng số phiếu biểu quyết thì Chủ tịch Hội đồng quản trị không được kiêm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.

♣ Giám đốc, Tổng giám đốc:

Giám đốc hoặc Tổng giám đốc là người điều hành công việc kinh doanh hằng ngày của công ty; chịu sự giám sát của Hội đồng quản trị; chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản trị và trước pháp luật về việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ được giao. Nhiệm kỳ của Giám đốc hoặc Tổng giám đốc không quá 05 năm; có thể được bổ nhiệm lại với số nhiệm kỳ không hạn chế. Giám đốc, Tổng giám đốc có thể do Hội đồng quản trị bổ nhiệm hoặc được thuê thông qua hợp đồng lao động. 

♣ Ban kiểm soát:

Ban kiểm soát có  từ 3 đến 5 thành viên. Nhiệm kỳ của Kiểm soát viên không quá 05 năm. Và Kiểm soát viên có thể được bầu lại với số nhiệm kỳ không hạn chế. Ban kiểm soát phải có hơn một nửa số thành viên thường trú ở Việt Nam. Quyền và nghĩa vụ của Trưởng Ban kiểm soát do Điều lệ công ty quy định. 

Ban kiểm soát có chức năng giám sát Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc trong việc quản lý và điều hành công ty. Và chịu trách nhiệm trước Đại hội đồng cổ đông trong thực hiện các nhiệm vụ được giao. 

>>>Xem thêm: Cơ cấu tổ chức quản lý trong công ty cổ phần

2.2. Cơ cấu tổ chức quản lý trong công ty TNHH hai thành viên trở lên

Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Công ty trách nhiệm hữu hạn có từ 11 thành viên trở lên phải thành lập Ban kiểm soát. Trường hợp có ít hơn 11 thành viên, có thể thành lập Ban kiểm soát phù hợp với yêu cầu quản trị công ty.

♣ Hội đồng thành viên:

Hội đồng thành viên gồm tất cả các thành viên công ty, là cơ quan quyết định cao nhất của công ty. Hội đồng thành viên sẽ bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên; quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm, ký và chấm dứt hợp đồng đối với Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Kế toán trưởng và người quản lý khác quy định tại Điều lệ công ty; Đồng thời, giải quyết các công việc quan trọng nhất của công ty. Điều lệ công ty quy định định kỳ họp Hội đồng thành viên, nhưng ít nhất mỗi năm phải họp một lần;…

♣ Chủ tịch Hội đồng thành viên:

Hội đồng thành viên bầu một thành viên làm Chủ tịch. Chủ tịch Hội đồng thành viên có thể kiêm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty. Nhiệm kỳ của Chủ tịch Hội đồng thành viên không quá 05 năm. Có thể được bầu lại với số nhiệm kỳ không hạn chế. 

♣ Giám đốc, Tổng giám đốc:

Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty là người điều hành hoạt động kinh doanh hằng ngày của công ty. Chịu trách nhiệm trước Hội đồng thành viên về việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình. Giám đốc, Tổng giám đốc có thể được bổ nhiệm hoặc được thuê thông qua hợp đồng lao động.

Giám đốc, tổng giám đốc ký kết hợp đồng nhân danh công ty. Trừ trường hợp thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Hội đồng thành viên. Bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm các chức danh quản lý trong công ty. Trừ các chức danh thuộc thẩm quyền của Hội đồng thành viên. Ban hành quy chế quản lý nội bộ của công ty. Trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác;… 

♣ Ban kiểm soát: 

Công ty trách nhiệm hữu hạn có từ 11 thành viên trở lên phải thành lập Ban kiểm soát; trường hợp có ít hơn 11 thành viên, có thể thành lập Ban kiểm soát phù hợp với yêu cầu quản trị công ty. Ban kiểm soát kiểm tra, giám sát hoạt động quản lý điều hành của Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc, tổng giám đốc; Kiểm tra các báo cáo tài chính;… Các quyền và nghĩa vụ khác được quy định trong Điều lệ công ty.

Quyền, nghĩa vụ, tiêu chuẩn, điều kiện và chế độ làm việc của Ban kiểm soát, Trưởng Ban kiểm soát do Điều lệ công ty quy định.

>>>Xem thêm: Cơ cấu tổ chức trong công ty TNHH hai thành viên trở lên

2.3. Cơ cấu tổ chức quản lý công ty TNHH một thành viên

Cơ cấu tổ chức quản lý trong công ty TNHH một thành viên sẽ phụ thuộc vào chủ sở hữu công ty.

– Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do tổ chức làm chủ sở hữu được tổ chức quản lý và hoạt động theo một trong hai mô hình sau đây:

+ Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và Kiểm soát viên;

+ Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và Kiểm soát viên.

♣ Hội đồng thành viên:

Hội đồng thành viên nhân danh chủ sở hữu công ty thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu công ty; nhân danh công ty thực hiện các quyền và nghĩa vụ của công ty, trừ quyền và nghĩa vụ của Giám đốc hoặc Tổng giám đốc; chịu trách nhiệm trước pháp luật và chủ sở hữu công ty về việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ được giao theo quy định của Luật Doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan. Chủ tịch Hội đồng thành viên do chủ sở hữu bổ nhiệm hoặc do các thành viên Hội đồng thành viên bầu

Các thành viên Hội đồng thành viên do Chủ sở hữu công ty bổ nhiệm, miễn nhiệm. Gồm từ 03 đến 07 thành viên với nhiệm kỳ không quá 05 năm.

♣ Chủ tịch công ty:

Chủ tịch công ty do chủ sở hữu bổ nhiệm. Chủ tịch công ty nhân danh chủ sở hữu thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu công ty. Nhân danh công ty thực hiện các quyền và nghĩa vụ của công ty, trừ quyền và nghĩa vụ của Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Chịu trách nhiệm trước pháp luật và chủ sở hữu công ty về việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ được giao theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty.

♣ Giám đốc, Tổng giám đốc:

Giám đốc, Tổng giám đốc điều hành hoạt động kinh doanh hằng ngày của công ty. Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty bổ nhiệm hoặc thuê Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Nhiệm kỳ không quá 05 năm. 

Giám đốc hoặc Tổng giám đốc chịu trách nhiệm trước pháp luật và Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên khác của Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty có thể kiêm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trừ trường hợp pháp luật, Điều lệ công ty có quy định khác.

♣ Kiểm  soát viên:

Chủ sở hữu công ty quyết định số lượng Kiểm soát viên. Nhiệm kỳ của Kiểm soát viên không quá 05 năm. Kiểm soát viên chịu trách nhiệm trước pháp luật và chủ sở hữu công ty về việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình. Quyền và nghĩa vụ của Kiểm soát viên được quy định trong Điều lệ công ty. 

– Công ty TNHH một thành viên do cá nhân làm chủ sở hữu có cơ cấu tổ chức như sau:

 + Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.

Chủ tịch công ty có thể kiêm nhiệm hoặc thuê người khác làm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.

Quyền, nghĩa vụ của Giám đốc hoặc Tổng giám đốc được quy định tại Điều lệ công ty, hợp đồng lao động mà Giám đốc hoặc Tổng giám đốc ký với Chủ tịch công ty.

>>>Xem thêm: Cơ cấu tổ chức của Công ty TNHH một thành viên

2.4. Cơ cấu tổ chức quản lý trong công ty hợp danh

Công ty hợp danh được tổ chức gồm Hội đồng thành viên, Chủ tịch hội đồng thành viên, Giám đốc/tổng giám đốc và thành viên hợp danh. 

♣ Hội đồng thành viên:

Tất cả thành viên hợp lại thành Hội đồng thành viên. Hội đồng thành viên có quyền quyết định tất cả công việc kinh doanh của công ty. 

♣ Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc, Tổng giám đốc:

Hội đồng thành viên bầu một thành viên hợp danh làm Chủ tịch Hội đồng thành viên. Chủ tịch Hội đồng thành viên có thể đồng thời kiêm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty nếu Điều lệ công ty không có quy định khác. 

Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc có các nhiệm vụ sau đây:

  • Quản lý và điều hành công việc kinh doanh hằng ngày của công ty với tư cách là thành viên hợp danh.
  • Triệu tập và tổ chức họp Hội đồng thành viên; ký các nghị quyết của Hội đồng thành viên.
  • Phân công, phối hợp công việc kinh doanh giữa các thành viên hợp danh.
  • Tổ chức sắp xếp, lưu giữ đầy đủ và trung thực sổ kế toán, hóa đơn, chứng từ và các tài liệu khác của công ty theo quy định của pháp luật.
  • Đại diện cho công ty trong quan hệ với cơ quan nhà nước. Đại diện cho công ty với tư cách là bị đơn hoặc nguyên đơn trong các vụ kiện, tranh chấp thương mại hoặc các tranh chấp khác.
  • Các nghĩa vụ khác do Điều lệ công ty quy định.

2.5. Cơ cấu tổ chức quản lý trong doanh nghiệp tư nhân

Chủ doanh nghiệp tư nhân có toàn quyền quyết định đối với tất cả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Chủ doanh nghiệp tư nhân có thể trực tiếp hoặc thuê người khác quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh. Trường hợp thuê người khác làm Giám đốc quản lý doanh nghiệp thì chủ doanh nghiệp tư nhân vẫn phải chịu trách nhiệm về mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. 

>>>Xem thêm: Cơ cấu tổ chức quản lý trong doanh nghiệp tư nhân

Trên đây là bài viết tổng hợp về cơ cấu tổ chức quản lý doanh nghiệp, công ty sau khi thành lập. Nếu khách hàng còn có thắc mắc, hãy liên hệ với chúng tôi. 

Comments are closed.