Phân loại quan hệ pháp luật dân sự theo Bộ luật dân sự 2015 được hiểu như thế nào? Việc phân loại quan hệ dân sự căn cứ vào những nội dung gì? Cùng Lawkey tìm hiểu nội dung này dưới đây.
Các quan hệ pháp luật dân sự rất phong phú, đa dạng về chủ thể, khách thể, nội dung, cách thức phát sinh… Việc phân loại các quan hệ pháp luật dân sự không chỉ có ý nghĩa về mặt lí luận mà còn có ý nghĩa cả về mặt thực tế để hiểu đúng quan hệ giữa các bên và áp dụng đúng pháp luật nhằm giải quyết các tranh chấp có thể xảy ra. Có nhiều cách phân loại khác nhau, mỗi cách phân loại đều được dựa vào những căn cứ cụ thể và có ý nghĩa thực tiễn nhất định.
Quan hệ tài sản và quan hệ nhân thân
Căn cứ vào nhóm quan hệ mà pháp luật dân sự điều chỉnh, quan hệ pháp luật dân sự được phân thành quan hệ tài sản và quan hệ nhân thân.
– Quan hệ tài sản luôn gắn với một tài sản nhất định hoặc chuyển dịch tài sản từ chủ thể này sang chủ thể khác (quan hệ sở hữu, quan hệ hợp đồng hay thừa kế tài sản…).
– Quan hệ nhân thân liên quan đến giá trị tinh thần của chủ thể và về nguyên tắc không thể dịch chuyển cho chủ thể khác (quyền đứng tên tác giả các tác phẩm văn học, khoa học, tác phẩm nghệ thuật, quyền đối với danh dự, nhân phẩm, uy tín…).
Việc phân định các quan hệ pháp luật dân sự theo nhóm quan hệ mà luật dân sự điều chỉnh có ý nghĩa thực tiễn rất lớn.
Ví dụ: Nếu vi phạm các nghĩa vụ về tài sản sẽ áp dụng các chế tài mang tính chất tài sản, ngược lại, nếu vi phạm các quan hệ về nhân thân sẽ áp dụng các biện pháp khác nhằm hồi phục lại tình trạng ban đầu (công nhận quyền tác giả, công khai xin lỗi, cải chính…).
Xem thêm: Thành phần của quan hệ pháp luật dân sự theo quy định hiện nay
Nội dung của quan hệ pháp luật dân sự theo quy định của pháp luật
Quan hệ pháp luật dân sự tuyệt đối, tương đối
Căn cứ vào tính xác định của chủ thể quyền và chủ thể nghĩa vụ, quan hệ pháp luật dân sự được phân chia thành quan hệ pháp luật dân sự tuyệt đối và quan hệ pháp luật dân sự tương đối.
– Quan hệ pháp luật dân sự tuyệt đối nếu trong quan hệ đó, chủ thể quyền được xác định, tất cả các chủ thể khác là chủ thể mang nghĩa vụ. Nghĩa vụ của họ được thể hiện dưới dạng không hành động (không thực hiện bất cứ hành vi nào xâm phạm đến quyền lợi của chủ thể có quyền). Quan hệ tuyệt đối có thể là quyền sở hữu, quyền tác giả đối với tài sản trí tuệ… Trong những quan hệ này, chủ sở hữu, tác giả là người có quyền, những chủ thể khác là chủ thể nghĩa vụ. Họ có nghĩa vụ tôn trọng chủ sở hữu thực hiện quyền sở hữu của mình, không xâm phạm đến quyền tác giả. Các loại quyền tuyệt đối thường được pháp luật ghi nhận mà không được tạo bởi sự thoả thuận của các bên.
Việc xác định này có ý nghĩa trong việc bảo vệ quyền cho người có quyền. Bất cứ hành vi nào xâm phạm đến các quyền năng của chủ thể quyền đều coi là vi phạm quyền bảo vệ tuyệt đối.
– Quan hệ pháp luật dân sự tương đối là những quan hệ pháp luật trong đó ứng với chủ thể quyền xác định là những chủ thể mang nghĩa vụ cũng được xác định (trong các quan hệ nghĩa vụ hợp đồng, bồi thường thiệt hại…)
Xem thêm: Chủ thể đặc biệt của quan hệ pháp luật dân sự là ai?
Quan hệ vật quyền và quan hệ trái quyền
Căn cứ vào cách thức thực hiện quyền để thoả mãn yêu cầu của mình, vào sự tác động của chủ thể, vào hành vi thực hiện, quan hệ dân sự được phân chia thành quan hệ vật quyền và quan hệ trái quyền.
– Quan hệ vật quyền liên quan đến một vật nhất định. Chủ thể quyền có thể thoả mãn yêu cầu của mình thông qua hành vi của chính mình, không phụ thuộc vào hành vi của người khác (sở hữu, chiếm hữu, sử dụng tài sản…).
– Quan hệ trái quyền là những quan hệ dân sự trong đó chủ thể có quyền thực hiện quyền để thoả mãn yêu cầu của mình thông qua hành vi của chủ thể có nghĩa vụ, phụ thuộc vào ý chí của người khác. Người có quyền có thể “yêu cầu” người có nghĩa vụ thực hiện những hành vi là khách thể của quan hệ nghĩa vụ trong trường hợp người có nghĩa vụ không thực hiện, thực hiện không đúng thì có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền buộc họ phải thực hiện nghĩa vụ.
Trên đây là nội dung Phân loại quan hệ pháp luật dân sự Lawkey gửi đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Lawkey.
Xem thêm: Căn cứ làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quan hệ pháp luật dân sự
Comments are closed.