Người lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện có thể lựa chọn mức đóng, phương thức đóng. Nghị định 134/2015/NĐ-CP quy định về phương thức và thời điểm đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện mới nhất.
Phương thức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện
Người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc có thể tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện với việc lựa chọn một trong các phương thức đóng quy định tại Điều 9 Nghị định 134/2015/NĐ-CP:
– Đóng hằng tháng;
– Đóng 03 tháng một lần;
– Đóng 06 tháng một lần;
– Đóng 12 tháng một lần;
– Đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm một lần;
– Đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia bảo hiểm xã hội đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.
Trường hợp người tham gia bảo hiểm xã hội đã đủ tuổi nghỉ hưu mà thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu trên 10 năm nếu có nguyện vọng thì tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cho đến khi thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu không quá 10 năm thì được đóng một lần cho những năm còn thiếu để hưởng lương hưu.
Xem thêm: Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện theo quy định mới nhất
Hưởng lương hưu khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện
Thời điểm đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện
Sau khi lựa chọn phương thức, mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, người lao động tiến hành nộp tiền vào quỹ hưu trí và tử tuất theo thời điểm quy định tại Điều 12 Nghị định 134/2015/NĐ-CP như sau:
– Trong tháng đối với phương thức đóng hằng tháng;
– Trong 03 tháng đối với phương thức đóng 03 tháng một lần;
– Trong 04 tháng đầu đối với phương thức đóng 06 tháng một lần;
– Trong 07 tháng đầu đối với phương thức đóng 12 tháng một lần.
– Tại thời điểm đăng ký phương thức đóng và mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng đối với trường hợp đóng một lần cho nhiều năm về sau hoặc đóng một lần cho những năm còn thiếu.
Đăng ký lại phương thức và mức thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện
Không phải bất cứ trường hợp nào người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cũng phải đăng ký lại phương thức và mức thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện. Cụ thể vấn đề này được quy định như sau:
Trường hợp thực hiện
Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện khi quá thời điểm mà chưa đóng bảo hiểm xã hội nếu tiếp tục đóng thì phải đăng ký lại phương thức đóng và mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội với cơ quan bảo hiểm xã hội.
Thủ tục đăng ký lại phương thức đóng và mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện
Điều 13 Nghị định 134/2015/NĐ-CP quy định cụ thể về thủ tục đăng ký lại phương thức đóng và mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện như sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Hồ sơ đăng ký lại bao gồm:
– Sổ bảo hiểm xã hội;
– Tờ khai tham gia bảo hiểm xã hội.
Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, bạn mang nộp tại cơ quan bảo hiểm xã hội nơi bạn tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Bước 2: Tiếp nhận và giải quyết hồ sơ
Cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết trong ngày đối với trường hợp nhận đủ hồ sơ theo quy định.
Trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Xem thêm: Đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định mới nhất
Trên đây là bài tư vấn của chúng tôi gửi đến bạn đọc. Nếu bạn còn bất kỳ thắc mắc nào, bạn hãy liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ giải đáp.
Comments are closed.