Thủ tục hoãn đình công theo quy định của pháp luật

Tập thể lao động bị hoãn đình công trong các trường hợp nào? Thủ tục hoãn đình công theo quy định của pháp luật được thực hiện như thế nào?

Các trường hợp bị hoãn đình công

Đình công là công cụ, là biện pháp mạnh mẽ nhất để tập thể người lao động đòi hỏi lợi ích từ phía người sử dụng lao động. Tuy nhiên, nếu xét thấy cuộc đình công có nguy cơ gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế quốc dân, lợi ích công cộng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sẽ quyết định hoãn đình công.

Nghị định 46/2013/NĐ-CP quy định 02 trường hợp hoãn đình công như sau:

1. Đình công dự kiến tổ chức tại các đơn vị cung cấp dịch vụ về điện, nước, vận tải công cộng và các dịch vụ khác trực tiếp phục vụ tổ chức mít tinh kỷ niệm ngày Chiến thắng, ngày Quốc tế lao động và ngày Quốc khánh.

2. Đình công dự kiến tổ chức tại địa bàn đang diễn ra các hoạt động nhằm phòng ngừa, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh hoặc tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật.

Xem thêm: Khái niệm và đặc điểm của đình công theo Bộ luật lao động 2012

Thủ tục hoãn đình công

Khi xét thấy các cuộc đình công cần thiết phải hoãn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định hoãn đình công theo thủ tục quy định tại Điều 9 Nghị định 46/2013/NĐ-CP. Cụ thể như sau:

Bước 1: Đề nghị hoãn đình công

Khi nhận được quyết định đình công của Ban chấp hành công đoàn, Giám đốc Sở Lao động – Thương Binh và Xã hội xem xét, nếu thấy thuộc các trường hợp cần thiết phải hoãn đình công thì gửi đề nghị hoãn đình công đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Đề nghị hoãn đình công bao gồm một số nội dung:

– Tên doanh nghiệp nơi tập thể lao động đình công;

– Lý do cần thiết phải hoãn cuộc đình công;

– Địa điểm dự kiến diễn ra đình công;

– Thời điểm dự kiến bắt đầu đình công;

– Yêu cầu của tập thể lao động;

– Kiến nghị hoãn đình công, thời hạn hoãn đình công và các biện pháp để thực hiện quyết định hoãn đình công của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Bước 2: Quyết định hoãn đình công

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định hoãn đình công căn cứ đề nghị của Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.

Trong thời hạn 48 giờ, kể từ khi Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nhận được quyết định đình công của Ban chấp hành công đoàn cơ sở, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải ra quyết định hoãn đình công.

Bước 3: Thông báo quyết định hoãn đình công

Sau khi quyết định hoãn đình công, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thông báo ngay đến:

– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện;

– Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh;

– Chủ tịch Hội đồng trọng tài lao động;

– Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở;

– Người sử dụng lao động nơi dự kiến diễn ra đình công.

Bước 4: Thực hiện việc hoãn đình công

Các cơ quan, tổ chức có liên quan phải thực hiện hoãn đình công trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi nhận được quyết định hoãn đình công của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Xem thêm: Trình tự tiến hành đình công theo quy định của pháp luật

Giải quyết yêu cầu của tập thể lao động khi không được đình công

Trên đây là bài tư vấn của chúng tôi gửi đến bạn đọc. Nếu bạn còn bất kỳ thắc mắc nào, bạn hãy liên hệ với chúng tôi để được giải đáp.

Comments are closed.