Làm thế nào để có thể nhận biết được hóa đơn giá trị gia tăng đúng? Cách nhận biết hóa đơn giá trị gia tăng hợp pháp, hợp lệ, hợp lý.
1. Cách nhận biết hóa đơn giá trị gia tăng hợp pháp
Để có thể nhận biết được hóa đơn giá trị gia tăng có hợp pháp hay không, chúng ta cần phải tìm hiểu về Sử dụng hóa đơn bất hợp pháp và Sử dụng bất hợp pháp hóa đơn.
1.1. Sử dụng hóa đơn bất hợp pháp
Sử dụng hóa đơn bất hợp pháp là việc sử dụng hóa đơn giả, hóa đơn chưa có giá trị sử dụng, hết giá trị sử dụng.
– Hóa đơn giả là hóa đơn được in hoặc khởi tạo theo mẫu hóa đơn đã được phát hành của tổ chức, cá nhân khác. Hoặc in, khởi tạo trùng số của cùng một ký hiệu hóa đơn.
– Hóa đơn chưa có giá trị sử dụng là hóa đơn đã được tạo nhưng chưa hoàn thành việc thông báo phát hành.
– Hóa đơn hết giá trị sử dụng là hóa đơn đã làm đủ thủ tục phát hành nhưng tổ chức, cá nhân phát hành thông báo không tiếp tục sử dụng nữa. Các loại hóa đơn bị mất sau khi đã thông báo phát hành được tổ chức, cá nhân phát hành báo mất với cơ quan thuế quản lý trực tiếp. Hóa đơn của các tổ chức, cá nhân đã ngừng sử dụng mã số thuế (còn gọi là đóng mã số thuế).
1.2. Sử dụng bất hợp pháp hóa đơn
Sử dụng bất hợp pháp hóa đơn là việc:
+ Lập khống hóa đơn.
+ Cho hoặc bán hóa đơn chưa lập để tổ chức, cá nhân khác lập khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ. Trừ các trường hợp được sử dụng hóa đơn do cơ quan thuế bán hoặc cấp và trường hợp được ủy nhiệm lập hóa đơn theo hướng dẫn tại Thông tư này.
+ Cho hoặc bán hóa đơn đã lập để tổ chức, cá nhân khác hạch toán, khai thuế hoặc thanh toán vốn ngân sách.
+ Lập hóa đơn không ghi đầy đủ các nội dung bắt buộc.
+ Lập hóa đơn sai lệch nội dung giữa các liên.
+ Dùng hóa đơn của hàng hóa, dịch vụ này để chứng minh cho hàng hóa, dịch vụ khác.
– Một số trường hợp cụ thể được xác định là sử dụng bất hợp pháp hóa đơn:
+ Hóa đơn có nội dung được ghi không có thực một phần hoặc toàn bộ.
+ Sử dụng hóa đơn của tổ chức, cá nhân khác để bán ra; để hợp thức hóa hàng hóa, dịch vụ mua vào không có chứng từ hoặc hàng hóa, dịch vụ bán ra để gian lận thuế; để bán hàng hóa nhưng không kê khai nộp thuế.
+ Sử dụng hóa đơn của tổ chức, cá nhân khác để bán hàng hóa, dịch vụ, nhưng không kê khai nộp thuế, gian lận thuế; để hợp thức hàng hóa, dịch vụ mua vào không có chứng từ.
+ Hóa đơn có sự chênh lệch về giá trị hàng hóa, dịch vụ. Hoặc sai lệch các tiêu thức bắt buộc giữa các liên của hóa đơn.
+ Sử dụng hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ mà cơ quan thuế, cơ quan công an và các cơ quan chức năng khác đã kết luận là sử dụng bất hợp pháp hóa đơn.
1.3. Kết luận
Hóa đơn hợp pháp là hóa đơn do Bộ Tài chính (Tổng cục thuế) phát hành và được cơ quan thuế cung cấp cho các cơ sở kinh doanh. Là hóa đơn do các cơ sở kinh doanh tự in theo mẫu quy định và đã được cơ quan thuế chấp nhận cho sử dụng. Là hóa đơn đã được doanh nghiệp làm thủ tục thông báo phát hành hóa đơn. Nếu doanh nghiệp chưa thông báo phát hành hóa đơn mà đã sử dụng hóa đơn thì hóa đơn đó là bất hợp pháp.
Có thể kiểm tra tính hợp pháp của hóa đơn giá trị gia tăng như sau:
+ Tra cứu xem doanh nghiệp có hoạt động hay không, có tạm dừng kinh doanh hoặc đang bỏ trốn hay không. Kiểm tra trên Mục “Tra cứu thông tin người nộp thuế” trên trang Tổng cục thuế Việt Nam
+ Tra cứu xem thông báo đã phát hành hay chưa. Kiểm tra trên Hệ thống tra cứu thông tin hóa đơn.
2. Cách nhận biết hóa đơn giá trị gia tăng hợp lệ
– Hóa đơn phải đảm bảo đầy đủ nội dung các chỉ tiêu và yêu cầu ghi trên hóa đơn như:
+ Ghi rõ ngày tháng năm lập hóa đơn; họ tên người mua, bán; địa chỉ công ty mua,bán; mã số thuế; hình thức thanh toán (tiền mặt hoặc chuyển khoản); số tài khoản (nếu có).
+ Ghi rõ số thứ tự; tên hàng hóa dịch vụ; đơn vị tính; số lượng; đơn giá; thành tiền; thuế suất; tiền thuế giá trị gia tăng (nếu có); tổng số tiền thanh toán; số tiền bằng chữ.
+ Phải có chữ ký người mua, người bán; chữ ký của Giám đốc. Nếu không có chữ ký của Giám đốc thì phải có giấy ủy quyền và đóng dấu treo vào bên trên góc trái hóa đơn, người được ủy quyền ký vào đây.
+ Hóa đơn được lập theo đúng các nguyên tắc theo Thông tư số 39/2014/TT-BTC.
– Hóa đơn hợp lệ sẽ là căn cứ để xác định chi phí được trừ hay không được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
Những hóa đơn có Giá trị trên 20 triệu phải chuyển khoản qua Ngân hàng thì mới được khấu trừ thuế giá trị gia tăng và tính vào chi phí hợp lý, hợp lệ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
3. Cách nhận biết hóa đơn giá trị gia tăng hợp lý
Hợp lý ở đây là nội dung của hàng hóa, dịch vụ, số tiền; tên; địa chỉ; mã số thuế… Thể hiện trên hóa đơn phù hợp với hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong phạm vi được cấp phép trên giấy phép kinh doanh của doanh nghiệp, có thể giải trình, diễn giải được.
Doanh nghiệp kinh doanh hoạt động mảng lĩnh vực nào. Thì hóa đơn chứng từ cũng phải phù hợp và phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh đó.
Nếu khách hàng còn có thắc mắc, hãy liên hệ với chúng tôi.
>>>Xem thêm: Dịch vụ kế toán trọn gói uy tín giá rẻ
Comments are closed.